<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Trúc Lâm Thi?n Phái Thi T?p (Ph?n 1)
Tác giả:

Hồi chuông (và,)

Mùi hương tịnh độ,

Du Tử Lê

          Trong thơ một nhà tu hành, mang tên tín nghĩa.
          Càng lớn tuổi, tôi càng sinh lòng cảm phục, ngưỡng mộ các tu sĩ -  những người chọn lựa tận hiến cuộc đời mình, cho đạo pháp.
          Lòng cảm phục, ngưỡng mộ nơi tôi, càng lớn lao hơn, một khi, tôi được biết, đó là những tu sĩ, lên đường, bước vào nẻo Ðạo, khi còn rất trẻ - - ở độ tuổi niên thiếu, thanh niên.
          Lòng cảm phục, ngưỡng mộ nơi tôi, càng lớn lao hơn nữa, một khi, tôi được biết, đó là những tu sĩ, chẳng những đi hết
(hoặc sắp hết,) lộ trình đạo pháp (mà,) còn vượt biên cương giáo lý một đạo pháp ;  để dung chấp giáo lý những đạo pháp, khác.
          Tôi muốn gọi các tu sĩ đó, là những Hành-Giả-Tình-Thương-Nhân-Loại-Mới - - Dù họ là sứ giả rao giảng chân lý cứu, độ trần gian của bất cứ tôn giáo nào.
          Ðứng từ vị trí một kẻ tầm thường, ngã mạn một cách rồ dại, tối ám của mình, hôm nay, tôi không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ của tôi, về Thượng Tọa Tín Nghĩa - - Vị tu sĩ đã tận hiến cuộc đời mình cho đạo pháp - - Kẻ lên đường bước vào nẻo Ðạo, giữa độ tuổi thiếu niên, xanh ngát...
          Nhìn từ góc độ sân, si của một tâm đặc, cứng chấp thủ của mình, hôm nay, tôi không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ của tôi, về Thượng Tọa Tín Nghĩa - - Vị tu sĩ chẳng những đang bước những bước cuối trên lộ trình đạo pháp
(mà,) ông còn cho thấy, ông đã bước qua khỏi những vạch phấn phân biệt, đố kỵ giữa giáo lý tôn giáo này, với giáo lý tôn giáo khác.     
          Sau những tiếp xúc trực tiếp với Thượng Tọa Tín Nghĩa, cá nhân tôi, muốn gọi ông là một
(trong hiếm hoi)
những Hành-Giả-Tình-Thương-Nhân-Loại-Mới.

         Tôi nhớ, đã đọc được đâu đó, lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni, rằng, nếu con không làm lợi lạc được đến cho kẻ khác, thì, hãy cố rán đừng gây đau khổ, thiệt hại cho kẻ ấy.

          Sự trực nhớ này, càng khiến tôi, hôm nay, không thể không bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ Thượng Tọa Tín Nghĩa - - Bởi vì, trong ghi nhận của tôi - - với thân, tâm một tu sĩ, ông chẳng những mang lợi lạc đến cho mọi người - - (Mà,) ông còn cho chúng ta những vần thơ - - Kết quả của những lao tác tinh thần trong phạm trù văn chương - - Như mặt khác của những hồi chuông (và,) mùi hương tinh độ.
          Là kẻ tầm thường với tất cả sân, si, ngã mạn một cách rồ dại, tối ám, nhưng tôi vẫn thấy, tôi yêu biết bao, những câu thơ của tu sĩ / thi sĩ Tín Nghĩa, như :

Thân này là giả huyễn
Cõi đời cũng tạm thôi
Chuốt trau rồi cũng bỏ
Trang điểm cũng tan đời.

  Hoặc :

Bạn nói vừa đủ nghe
Ðể mọi người theo về
Trong phút giây tỉnh thức
Và thoát khỏi bờ mê.

Hoặc nữa :

Chân bước nhẹ vào chùa,
Ðừng nói chuyện hơn thua,
Thân và Tâm an trú,
Trong chánh niệm Phật thừa.
  

          Tôi tin, tôi sẽ mãi nhớ những câu thơ vừa trích dẫn của Thượng Tọa / Thi Sĩ Tín Nghĩa.
          Bằng vào sự mãi nhớ kia, tôi tin, nếu thân, tâm tôi, có những chuyển đổi nào đó,
(thì,) cũng do nơi những câu thơ kể trên; và, những câu thơ, như vậy.

Du Tử Lê
(Calf. Feb. 2003)

 

*

*      *

Vài cảm nghĩ về Tín Nghĩa Thi Tập

Vĩnh Hảo
Nhà văn Vĩnh Hảo

          Bàn về thơ, đối với tôi, không phải chuyện dễ. Bàn về thơ đạo lại càng khó bội phần. Vậy mà không thể không bàn nói một chút về tập thơ nầy.
          Tín Nghĩa Thi Tập gồm khoảng 80 bài do một nhà tu Phật giáo sáng tác. Tập thơ gom góp bề dày thời gian 20 năm sinh sống và hành đạo của tác giả nơi xứ người, với bao hoài vọng, hồi ức, kỷ niệm, ước vọng, hoài bão... và trên hết, nỗi tha thiết muốn đóng góp chút gì đó cho dân tộc và đạo pháp trong giai đoạn nhiễu nhương, thống khổ của quê hương.
          Người đọc có thể tìm thấy nơi đây tâm tình của một nhà tu chay tịnh nơi cửa Thiền, những nỗi niềm thật gần gũi, mật thiết với đời sống, qua những bài nói về thế thái nhân tình, lòng hoài vọng cố hương, hoặc tư duy về vận nước :

Mai cười đùa gió lạnh,
Ðào nở đón xuân về,
Tin xuân đưa tới niềm hy vọng,
Trông ngóng trời xa đượm tình quê.
                                               (Báo Tin)
Lòng xao xuyến thu vàng đổ lá,
Xa quê hương mấy độ thu về,
Thu về lòng những nhớ quê,
Ơn thầy, tình bạn não nề vắng xa.
                                              (Cảm Niệm Vu Lan)
Một phần nào nghĩ suốt thâu canh,
Ngồi đứng, vào ra vẫn một mình,
Nhớ nước đau lòng thân sầu thảm,
Thương nhà xót ruột dạ buồn tênh.
                                                (Cảm Thán)

          Nhưng đồng thời bạn đọc cũng sẽ nhận ra, qua hầu hết những bài thơ khác, niềm tin mãnh liệt vào sự vi diệu của Phật Pháp được tỏa sáng trong từng chữ, từng lời, từng đoạn thơ của tác giả :

Thậm thâm vi diệu pháp,
Là lục tự Di Ðà,
Chí tâm vô biệt niệm,
Thẳng đến cửu liên hoa.
                                           (Chú ý)
Khổ càng tu học, khổ mới tiêu,
Nếu khổ không tu, khổ càng nhiều,
Nghiệp chướng vương mang thêm sầu lụy,
Oan khiên trừ diệt hết đăm chiêu.
                                              (Dứt Khổ)

          Xuất gia từ thuở bé, với gần nửa thế kỷ tụng đọc và thâm nhập kinh điển cũng như các thiền kệ của nhà Thiền, tác giả đã sáng tác thơ trong một phong thái và tâm cảnh rất tự nhiên, dễ dàng, không gượng ép. Cảm nhận một điều gì, liền ghi xuống, theo vần điệu nhập tâm quen thuộc, vậy là thành thơ. Hơi thơ đi nhẹ với chút cẩn trọng như của một thiền gia nắm giữ hơi thở trong chánh niệm. Lời thơ giản dị, trong sáng, không cố ý dùng nhiều điển tích hoặc từ ngữ khúc mắc, cầu kỳ. Cấu trúc thơ vẫn giữ nguyên vẻ cổ điển, không cố tình phá thể hoặc cách tân như nhiều nhà thơ hiện đại khác, mà lại nhịp nhàng một cách khéo léo trong khuôn khổ.
          Có thể nói, tác giả chú trọng chuyên chở ý đạo, biểu đạt tư tưởng, hơn là dấn mình trọn vẹn vào thế giới của ngôn ngữ và thi ca. Nhưng cũng nhờ sự thâm sâu, tha thiết trong thệ nguyện và sự hành trì tu tập, ngôn ngữ đạo nở hoa. Và sự thành công của tác giả về mặt văn chương, chính là ở điểm nầy.
           Bàng bạc trong mấy chục bài thơ là chân tình của một người tu, yêu đạo, thương đời, luôn ưu tư đến khổ nạn của người khác, cảm thông và chia xẻ với mọi người về kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm tu tập. Với kiến giải minh bạch và niềm tin kiên cố nơi Chánh Pháp, tác giả, như một hậu duệ chí hiếu, thừa tự di sản quý báu của Thầy Tổ, thắp sáng ngọn đuốc từ bi và giác ngộ qua ngôn ngữ thơ của thời đại. Và đây cũng là mặt thành công khác của tác giả.
          Ðối với văn chương cũng như đối với tông môn, tác giả không đảm nhận vai trò của một người khai phá, mở đường, tìm cầu cái mới; mà âm thầm tự khiêm, chọn lấy sứ mệnh của một kẻ bảo trì, gìn giữ giềng mối cao đẹp cổ kính của tiền nhân. Cái đẹp của thi phong và tuệ học ở đây, vô tình lại tỏa ngát hương vị thâm trầm dài lâu của Chân, Thiện, Mỹ.
          Xin cám ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Vĩnh Hảo

California, ngày 12 tháng 4 năm 2003,

*

*    *

NHÀ THƠ ÁO NÂU

Lam Nguyên
Lam Nguyên

          Nếu ngược dòng lịch sử thì ta sẽ thấy Thiền tông Việt nam thời Lý Trần rất thịnh đạt, Thiền sư đã đóng góp trong cuộc phục hưng Tổ quốc trên phương diện chính trị và phát triển văn hóa dân tộc. Những nhà thơ thời Lý Trần vừa là thi sĩ, y sĩ và vừa là giáo sư ...    Thời đó, thơ thiền chiếm một số lượng rất lớn. Ðặc sắc Thiền tông Việt nam thời Lý Trần ngoài tông chỉ “phá chấp” (cởi bỏ mọi sự vướng mắc), “đốn ngộ”“tâm truyền”, Thiền sư còn phục vụ cho đất nước khi tổ quốc lâm nguy; giúp người dân trên nhiều phương diện làm cho xã hội mỗi ngày một tốt hơn. Tiêu biểu cho tinh thần nói trên, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) và cũng là Sơ tổ của Trúc lâm Thiền phái đã diễn ý trong bốn câu kệ ở bài phú Cư Trần Lạc Ðạo như sau :

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tác xan hề, khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo, hưu tầm nịch,
Ðối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.
                                              
Trần Nhân Tông

Lam Nguyên dịch :

Ðời cứ tùy duyên vui sống đạo,
Mệt thì nằm ngủ, đói ăn liền,
Trong nhà của quý, tìm đâu nữa,
Trước cảnh tâm yên, chớ hỏi Thiền.

          Và, nay tôi xin giới thiệu với quý độc giả nhà thơ Áo Nâu và cũng là Thiền sư thuộc phái thiền Trúc Lâm.
          Thơ. Nói về thơ, định nghĩa về thơ thật là khó. Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thơ như cây đàn muôn điệu, cây cọ muôn màu. Thơ là tiếng lòng thổn thức vì cảnh sắc bên ngoài hay sự rung động sâu xa trong hồn người mà hôm nay xin độc giả cùng tôi thưởng thức bài thơ của nhà thơ Áo Nâu. Nhắc về Huế thì những ai đã từng đến Huế đều công nhận là phong cảnh hữu tình đầy thơ và mộng. Huế với sông Hương núi Ngự, với chiếc cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, với Từ Nhẫn tháp Linh Mụ cao bảy tầng đứng soi bóng bên giòng Hương giang, hay đứng nhìn giòng Hương giang uốn quanh Thành nội rồi bao quanh Cồn hến để trở về biển cả. Ai ra xứ Huế mà không ít nhiều mộng mơ tiếc nhớ, nhất là người bản xứ khi mang tâm trạng xa quê như nhà thơ Áo Nâu mà thi nhân đã gởi tâm sự mình qua bài thơ Nhớ Huế như sau :

Ðã bao lần tôi muốn về thăm Huế,
Lặng ngắm nhìn cảnh cũ của đế đô,
Huế yêu thương, Huế đẹp, Huế mộng mơ...
Phú Văn Lâu đứng ngắm mấy chuyến đò,
Ðưa áo Trắng sang sông trường Ðồng Khánh,
Thuyền sông Hương ngược dòng lên Văn Thánh,
Cầu Tràng Tiền in bóng nước Hương giang,
Chợ Ðông Ba đón khách nắng ... mơ màng,
Ngâm câu hát Nam Bình về An Cựu,
Vĩ Dạ đò trăng nhớ ai mộng ảo,
Tịnh Tâm buồn áo não nhớ tích xưa,
Sen nở, hoa cười, gió mát, hương đưa,
Người câu cá đâu có còn ngồi đó ?
Hoàng thành ơi ! Bây giờ còn nhớ rõ ?
Cồn Hến chừ bắp đã trổ bông chưa ?
Ðỉnh Ngự thông reo với mấy câu hò,
Bến Thương Bạc trông qua đò Âm Phủ,
Cầu Thanh Long ngóng lên cầu Bạch Hổ,
Tháp bảy từng Thiên Mụ vẫn đứng yên,
Lặng ngắm nhìn về Phường Ðúc, Tràng Tiền,
Hồi chuông đổ trong màng sương chiều xuống.
Ai lên Từ Ðàm, ai trèo Kim Phụng,
Ai xuống Ðò Cồn, ai nghe tiếng trống,
Ở Tam Tòa liên tiếp đổ từng hồi,
Giữa khuya buồn với giọng hát đầy vơi,
Lòng nhớ Huế, trong tôi dài bất tận,
Là dân Huế, ai mà không oán hận,
Chuyện sáu ba, chôn Phật tử thảm thương ?
Ðể lòng dân than khóc suốt đêm trường,
Do chế độ nhà Ngô gây áo não,
Mắt mọi người lệ chảy hoài chưa ráo,
Rồi tiếp theo sáu tám, tết Mậu Thân,
Lập mồ chôn tập thể khắp xa gần,
Làm dân Huế, lại càng thêm điêu đứng,
Tuy như thế, Huế mãi còn đứng vững,
Từ ngàn xưa đến tận suốt ngàn sau,
Xin mọi người, ta hãy đứng cùng nhau,
Ðừng quên Huế, Huế muôn đời bất diệt.
                                                   
Tín Nghĩa – Nov. 21, 1998

          Ngồi đọc bài thơ Nhớ Huế của nhà thơ Áo Nâu giữa đêm thu mưa buồn nơi đất khách lòng tôi như chùng lại, nhớ quê nhà ray rứt. Bài thơ Nhớ Huế không những chỉ nhắc lại những địa danh mà còn nhắc lại những chứng tích lịch sử, chẳng hạng như câu :
          “Người câu cá đâu có còn ngồi đó ?”  Ðã gợi lại cho chúng ta nhớ những lúc nhà cách mạng Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân ở hồ Tịnh Tâm trong Thành nội để bàn chuyện chống Pháp. Nào là tiếng trống Tam tòa, hoặc Phật giáo Pháp nạn 1963 của nhà Ngô, hoặc tết Mậu thân. Từ đó làm cho tôi nhớ lại lời phát biểu về thơ của Vương Quốc Duy đời nhà Thanh bên Trung hoa :
          “Thi nhân đối vũ trụ nhân sinh tu nhập hồ kỳ nội, hựu tu xuất hồ kỳ ngoại. Nhập hồ kỳ nội, cố năng tả chi. Xuất hồ kỳ ngoại, cố hữu cao chí.” Nghĩa là : Nếu là nhà thơ thì đối với vũ trụ nhân sinh ta nên bước vào bên trong nhưng lại nên quay ra bên ngoài. Cho nên, khi bước vào bên trong ta mới có thể quan sát được. Rồi lại khi bước vào bên trong ta mới có thể thêm sinh khí mà ra bên ngoài thì lại được cao siêu.
            Có lẽ nhà thơ Áo Nâu khi sáng tác bài thơ Nhớ Huế theo quan điểm trong Luận ngữ :

          “Tử viết :  Tiểu từ hà mạc học phù thi? Thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán”.  Nghĩa là :   Các trò nhỏ ơi, sao không học Kinh thi ?  Thi có thể giúp cho việc tạo hứng khởi, giúp cho việc xem xét, việc hợp quần, việc đáng ghét.
          Và để khép lại bài viết nầy, tôi xin mời độc giả thưởng thức hương thiền qua bài Kệ của nhà thơ Áo Nâu để theo đó, Phật tử chúng ta dùng làm kim chỉ nam cho việc hành và tu theo đạo Phật :


Liễu Nhiên kệ
Ngã thân thiền môn tại,
Ngã nguyện cực lạc quy,
Dục đắc niết bàn lộ,
Nhất hướng niệm vô vi.
                                     
Tín Nghĩa

Tác giả dịch là :

Thân tôi nương náu cửa thiền,
Tâm tôi nguyện hướng về miền Lạc bang.
Muốn cho thẳng đến niết bàn,
Một lòng nguyện hướng con đường vô vi.

          Thi nhân Áo Nâu đã dùng hai chữ Vô vi hàm chứa hai ý nghĩa :
          Ý thứ nhất theo triết lý Lão tử là ta sống theo lẽ tự nhiên, không có gì gò bó cả, nên không bị cột chặt để làm mất đi cái chân chính của mình.
          Ý thứ hai, Vô vi là Vô vi pháp của nhà Phật là những cảnh giới bất biến, thường hằng, không sanh diệt, ... Vô vi pháp là pháp xa lìa nhân duyên tạo tác, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đó là Chân như vô vi, tức Niết bàn. Hay ta có thể nói Niết bàn là tối thắng của Vô vi pháp vậy. Ðọc bài kệ Liễu Nhiên của nhà thơ Áo Nâu, tôi chợt nhớ hai câu cuối bài kệ Cảm Hoài của Thiền sư Chân Không
(1046-1100) đời nhà Lý như sau :

Nhân nhân tận thức vô vi lạc,
Nhược đặc vô vi thủy thị gia.

Nghĩa là :

Cái cảnh “vô vi” ai chẳng thích,
Ðược vào cảnh ấy mới là nhà.

          Cả hai bài kệ khi đọc xong vẫn còn thấy dư âm vang vọng trong tâm hồn độc giả.

Lam Nguyên
Seattle Thu Kỷ Mão - 1999

*

*    *

Ðôi Lời Bộc Bạch

          Thơ là một vườn hoa, một bức tranh họa, muôn màu, muôn sắc và có nhiều góc độ khác nhau tùy theo người đọc và nhìn vào nó.
          Thuở nhỏ đi học, rất thích thơ và học thuộc nhiều thơ của những bậc cổ đức cũng như những bài thơ mới về sau nầy của các thi hào: Lưu trọng Lư, Thanh Tịnh, Vũ hoàng Chương, Du Tử Lê và nhiều lắm, không nhớ hết. Tuy nhiên thích nhất là loại thơ Ðường luật, Tứ tuyệt, Ngũ ngôn và loại thơ mới tám chữ. 
          Khi học thơ ở nhà trường, các thầy văn chương cũng hay ra đề cho học sinh, thì tôi cũng thuộc loại khá của lớp. Gần trọn cuộc đời tu niệm trong chốn thiền môn, chịu ảnh hưởng nhiều về những bài Thi kệ, những bài Thiền kệ của chư Tổ và Thiền sư.

HT. Thích Tín Nghĩa
Chân dung tác giả

          Khi còn ở quê nhà, tôi có làm một tập thơ, viết tay rất cẩn trọng, nhưng chưa có dịp để xuất hiện thì tết Mậu thân đưa nó thành tro bụi với tủ sách một thể. Rồi hoàn cảnh chiến tranh triền miên, đưa đẩy làm thân nổi trôi đó đây nơi hải ngoại. Cái may mắn là mỗi lần đi thuyết giảng Phật pháp đó đây ở Hoa kỳ, Canada và Âu châu, khi trà đàm, tôi có trình làng với chư Tăng một vài bài Thi kệ, được chư Tôn Ðức khích lệ và khuyến tấn nên tiếp tục, đặc biệt là Cố Hòa thượng Thích Ðức Niệm khuyến tấn nhiều nhất; đồng thời, quý Ngài nói : “Thầy Tín Nghĩa làm sao gom góp lại những bài của các Vị tiền bối trong môn phái để có một tập thơ của Trúc Lâm Thiền Phái, mặc dầu, thơ của Thầy chiếm hết tác phẩm.”.
          Với sự khuyến khích nhiệt tình ấy, nên tôi cố gắng mỗi khi thấy cõi lòng thanh thoát, tức cảnh viết vài chữ để dành theo những thể điệu đã được học từ nhỏ, tuy không hay ho gì cho mấy, nhưng  đây cũng là một kỷ niệm nho nhỏ rất quý giá đối với cá nhân tôi. Hơn hai mươi năm, mỗi khi làm một ít, góp nhặt lại mới có được tập thơ nầy với tựa đề Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập.
          Tập thơ nầy, phần đầu là những bài của Tổ Khai sơn Trúc Lâm Ðại Thánh Tự – Cố đô Huế và một số của các ngài vai vế Sư phụ, Sư thúc, ... Trong tập thơ nầy, tôi không sắp theo thứ tự về năm tháng mà sắp theo vần mẫu tự ABC.
          Hôm nay, nhân duyên vừa đủ cho những gì mà tôi có được, tôi xin được trình làng và mong được hướng dẫn. Các bậc Thi hào cao minh nhận thấy những gì trong tập nầy không được hoàn chỉnh, cũng xin hoan hỷ thương tình chỉ giáo để trong tương lai, nếu được thì sẽ phong phú hơn.
          Nhơn đây, tôi xin chân thành ghi ơn và thâm tạ chư liệt vị :
 
          *.- Cố Giác linh Hòa thượng Thích Ðức Niệm, Chánh Văn phòng Hội Ðồng Ðại Diện của Giáo hội. 
          *.-  Hòa thượng Thích Minh Đạt, Viện chủ chùa Quang Nghiêm, Stochton, 
          *.-  Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Viện trưởng Tu viện Kim sơn, 
          *.-  Thi hào Du Tử Lê,
          *.-  Nhà văn Vĩnh Hảo, 
          *.-  Nhà bình thơ Lam Nguyên,
          Ðồng thời, riêng tặng và
(Rất) cám ơn Sư cô Thích Nữ Hạnh Thanh, Một vị phụ tá đã tận tâm, tận tình hỗ trợ cho những Ðại Phật sự trọng yếu trong suốt hơn mười năm qua, để Thầy yên tâm tu niệm và hành đạo, nhất là về phần thừa hành Phật sự của Giáo hội được hanh thông và tác phẩm Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập ra đời một cách mỹ mãn.
          Sau cùng xin cám ơn một số bằng hữu trong và ngoài nước đã chân tình khích lệ, hướng dẫn cũng như tạo cơ duyên để Thi tập được hình thành và được trình diện đến quý vị và quý độc giả.

Tỳ kheo THÍCH TÍN NGHĨA
Hoa Kỳ, mùa Ðản sanh Quý mùi 2547 - 2003

 * * * * * * *

Bài Thứ Nhất :

 

四 壁 蕭 疏 避 雨 難

松 風 催 觸 漏 僧 寒

蒲 欄 心 意 橫 秋 色

識 得 盧 中 個 等 閑

 

 

 

                 Tổ Giác Tiên
Dịch :
     Bốn vách tiêu sơ khó ngăn mưa,
     Gió tùng thấm lọt mãnh y thưa,
     Bồ đoàn quyết ý thu tâm tưởng,
     Biết được trong lư, mặt mũi xưa.
Dịch theo vần Lục bát :
  Mưa bay bốn vách khó ngăn,
  Gió tùng thấm lọt, bần tăng lạnh vừa.
  Bồ đoàn tâm ý tóm thu,
  Trong lư, mặt mũi ngày xưa hiện hình.

Bài Thứ Hai :

覺 夢 殘 星 點 半 空

長 天 孤 雁 影 無 蹤

疏 明 月 色 斜 欄 意

印 入 禪 深 消 息 中

 

Âm : 
    Giác mộng tàn tinh điểm bán không,
    Trường thiên cô nhạn ảnh vô tung,
    Sơ minh nguyệt sắc tà lan ý,
    Ấn nhập thiền thâm tiêu tức trung.
                                               Tổ Giác Tiên
 Dịch :
   Tỉnh mộng tàn canh thấy tánh không,
   Dưới trời chim nhạn vốn không tung,
   Vầng trăng chiếu rọi ngoài hiên vắng,
   Ấn nhập thiền tâm, tiêu tức trung. 
Dịch theo vần Lục bát :
Tàn canh thấy mộng trống không,
Dưới trời chim nhạn vốn không tông (tích) loài.
Vầng trăng chiếu rọi hiên ngoài,
Thiền tăng chứng nhập, trong ngoài tiêu tan.

Bài Thứ Ba :

 

 

 

竹 院 寒 梅 帶 雨 飛

輕 衫 容 異 太 無 知

心 花 夜 鳥 消 閑 日

忘 却 前 塵 懶 更 衣

 

 

 

 

 

Âm : 
     Trúc viện hàn mai đới vũ phi,
     Khinh sam dung dị thái vô tri,
     Tâm hoa, dạ điểu tiêu nhàn nhựt,
     Vọng khước tình trần lại cánh y.
Dịch :
   Viện trúc đêm đông lạnh cánh mai,
   Nhẹ mang cánh áo sắc màu phai,
   Tâm nghe chim hót, hoa tin tức,
   Quên mất tình trần, ngày vắng dài.
  Dịch theo vần Lục bát :
Đêm đông giá lạnh trúc mai,
Nhẹ mang cánh áo, sắc phai lâu rồi.
Tâm nghe chim hót, hoa cười,
Tình trần phủi sạch, vắng dài mà chi.

 

Bài thứ Tư :

 

疏 林 雨 過 夕 陽 時

溪 畔 橫 將 竹 笛 吹

一 曲 自 娱 山 水 綠

此 情 不 與 白 雲 飛

 

Âm :
     Sơ lâm vũ quá tịch dương thì,
     Khe bạn hoành tương trúc địch xuy,
     Nhứt khúc tự ngu sơn thủy lục,
     Thử tình bất dự bạch vân phi.
                                              Tổ Giác Tiên
 Dịch :
       Rừng thưa đêm vắng gió mưa bay,
       Yến vãng bên khe, trúc thổi hay,
       Khúc nhạc thiên thu nghe tự đủ,
       Tình này chẳng ngại đám mưa bay.
  Dịch theo lục bát :
Rừng thưa đêm vắng, mưa bay,
Nghe chim yến hót trúc gài am mây.
Thiên thu khúc nhạc đủ đầy,
Mây bay chẳng ngại, tình nầy quản chi.

                  堪忍

梅 成 先 後
花 功 念 到
寒 苦 彌 九

開 來 佛 臺
                       信 義 作

Kham Nhẫn (*)
      Mai hoa hàn trung khai,
      Thành công khổ trung lai,
      Tiên niệm Di Ðà Phật,
      Hậu đáo cửu liên đài.
Tạm dịch :
             Chịu Khó
Hoa mai nhờ lạnh nở ra,
Thành công từ khổ để mà tiến thân,
Di Ðà trước niệm chuyên cần,
Rồi sau đạt đến chín tầng liên hoa.
                         Mạnh xuân Tân tỵ – 2001
(*) Kham năng nhẫn khổ :  Tức là hay chịu đựng những khổ cực, khó khăn,  tức là hay chịu đựng những khổ cực, khó khăn.

 

 

 

      

 

信自 真 心 信 無 爲

義 缘 佛 法 義 慈 悲

禪 門 靜 潔 心 無 累

師 弟 心 佛 證 知

 信美感作

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

           
 Liễu Ðạo
          Tín tự chơn tâm, tín vô vi,
          Nghĩa duyên Phật pháp, nghĩa từ bi,
          Thiền môn tịnh khiết, tâm vô lụy,
          Sư đệ đồng tâm, Phật chứng tri.
Tạm dịch :
   Tín tự cõi lòng, tín vô vi,
   Nghĩa nương Phật pháp, nghĩa từ bi,
   Thiền môn sáng sạch, tâm chẳng lụy,
   Sư đệ cùng tu, Phật chứng tri.
                        
Trọng đông Tân dậu-1981

了然偈

我 身 禪 門 在
我 願 極 樂 歸
欲 得 涅 槃 路
一 向 念 無 微

                        戌寅 孟春 - 信義作


Liễu Nhiên Kệ
             Ngã thân thiền môn tại,
             Ngã nguyện cực lạc quy,
             Dục đắc niết bàn lộ,
             Nhất hướng niệm vô vi.


Tạm dịch :
Thân tôi nương náu cửa thiền,
Tâm tôi nguyện hướng về miền lạc bang.
Muốn cho thẳng đến niết bàn,
Một lòng nguyện hướng con đường vô vi.
                           Trọng hạ Ðinh sửu-1997

Nhìn Trăng
Hôm qua,
trăng sáng cả rừng Thông
(*)
Thử hỏi vì sao :
Nay lại không ?
 Hay bởi :
đám mây làm chướng ngại,
Ðể người trường dạ
luống ngồi trông.

Sư bà Thích Nữ Diệu Không

Họa nguyên vận

Nhìn trăng,
          trực nhận thể viên thông,
Vạn pháp :
          Không ngoài lý diệu không,
Ai dám bảo rằng :
          Không với Có ?
Có, không, không, có :
          Bởi người trông.
                   Hòa thượng Thích Mật Hiển

(*) Thông tức là Pháp tự của Tổ Giác Tiên. Khi quý Huynh đệ xây tháp để thờ Ngài, Sư bà nhớ ân sư, tức cảnh thành thơ và Hòa thượng Bổn sư chúng tôi họa lại nguyên vận như vậy.

                         理 色 空

座  萬 頓  了  悟  晝  色
談  法  悟  超  然  理  夜  空
戲  滅  真  覺  生  有  六  非
笑  生  常  果  死  無  時  異
理  本  空  色  隨  亦  觀  總
色  是  即  即  夢  融  如  皆
空  同  色  空  幻  通  是  空

                                      信 美 感 作

Lý Sắc – Không
Tọa đàm hí tiếu lý Sắc - Không,
Vạn pháp diệt sinh bổn thị đồng,
Bất ngộ chơn thường :  Không tức sắc,
Đốn siêu giác quả :  Sắc tức không.
Liễu nhiên sanh tử tùy mộng ảo,
Ngộ lý hữu vô diệc dung thông.
Trú dạ lục thời quán như thị,
Sắc - Không phi dị, tổng giai không.
        Mạnh thu Bính tuất – PL. 2550 - 2006

心專
心 凈 佛 土 凈,
心 亂 業 障 生。
專 心 除 亂 動,
解 惑 業 無 明。

Tâm Chuyên

Tâm tịnh Phật độ tịnh,
Tâm loạn nghiệp chướng sanh,
Chuyên tâm trừ loạn động,
Giải hoặc nghiệp vô minh.

Tạm dịch :

Chuyên Tâm
Tâm yên cảnh Phật cũng yên,
Nếu tâm nhơ nhớp, nghiệp liền theo ngay.
Chuyên tâm trừ nghiệp cho tày,
Nghiệp chướng bao đời, loạn hoặc cũng tiêu.

                          Quý hạ Tân dậu  -  1981

早 預
          黃 泉 路 上 無 老 少,
        凈 土 蓮 臺 不 論 份。
        六 字 彌 陀 無 別 念,
        蓮 花 九 品 早 預 分。

                             
和 尚 釋 信 義,
                        丙 戌 新 年 開 筆。

Tảo Dự

    Huỳnh tuyền lộ thượng vô lão thiểu,
    Tịnh độ liên đài bất luận phân,
    Lục tự Di Đà vô biệt niêm,
    Liên hoa cửu phẩm tảo dự phận

                      Bính Ngọ tân niên khai bút
 Tạm dịch :
Đường đến huỳnh tuyền không già trẻ,
Liên đài tịnh độ chẳng luận phần,
Sáu chữ Di Đà chuyên tâm niệm,
Chín phẩm hoa sen sẽ có phần

Tiếng Chuông

Trăng mới mọc
Sau khi trời vừa tạnh,
Ngoài hiên,
Văng vẳng tiếng chuông đưa,
Tiếng chuông ngân ngợi,
Trong đêm vắng,
Thử hỏi hồn ai,
Ðã tỉnh chưa?
Thiền sư Mật Thể

 

慈 曇 海 外 感 作

祖 印 重 光 妙 法 開
庭 前 顯 現 觀 音 臺
慈 能 濟 度 千 生 病
曇 出 消 除 萬 劫 災
海 內 道 場 宣 密 語
外 圍 禪 院 奉 如 來
感 相 僧 侶 難 思 議
作 化 群 生 絕 不 涯

                     

 

      Từ Ðàm Hải Ngoại Cảm Tác
   Tổ ấn trùng quang diệu pháp khai,
   Ðình tiền hiển hiện Quán âm đài,
   Từ năng tế độ thiên sanh bệnh,
   Ðàm xuất tiêu trừ vạn kiếp tai,
   Hải nội đạo tràng tuyên mật ngữ,
   Ngoại viên thiền viện phụng Như lai,
   Cảm tương Tăng lữ nan tư nghị,
   Tác hóa quần sanh tuyệt bất nhai.
                    Trọng đông Canh ngọ-1990

Tạm dịch :
Tổ ấn mở pháp diệu vời,
Trước sân hiển hiện linh đài Quán âm,
Từ hay tế độ xa gần,
Ðàm hoa trị liệu muôn phần kiếp tai,
Hải nội mật ngữ an bài,
Ngoài vườn phụng thỉnh Như Lai độ đời,
Cảm thông tôn đức khó bì,
Giáo dưỡng quần chúng muôn đời truyền lưu.

微 妙 心

心 散 即 魔 現,
心 凈 是 佛 生。
心 緣 微 妙 法,
佛 果 自 圓 成。

                                      釋 信 義

Vi Diệu Tâm
            Tâm tán tức ma hiện,
            Tâm tịnh thị Phật sanh.
            Tâm duyên vi diệu pháp,
            Phật quả tự viên thành.
Tạm dịch :

Tâm Vi Diệu
     Tu hành tâm tán là ma,
     Tịnh tâm Phật cảnh sanh ra hiện tiền,
     Hành trì diệu pháp cần chuyên,
     Phật quả viên thành đạt ngộ một khi.
                         Quý hạ Tân dậu  -  1981

 無 題(一)

鐘 聲 點 三 回
漁 翁 點 數 杯
禪 師 入 大 定
鶯 啼 柳 上 開
                                         信 義

Vô Ðề 1

Chung thanh điểm tam hồi,
Ngư ông điểm sổ bôi,
Thiền sư nhập đại định,
Oanh đề liễu thượng khai.


Tạm dịch :
     Chuông khuya vừa điểm ba hồi,
     Ngư ông ngồi uống một vài ba chum,
     Thiền sư nhập định vừa xong,
     Trên cây dương liễu chim oanh hát hò.
 Seattle, Sept. 28th, 2003 - Tín Nghĩa

          無 題(二)

昨 朝 吾 何 處
今 日 我 何 來
若 能 如 是 見
二 土
 
無 查

信義

                                                    
(Vô Ðề 2

Tạc triêu ngô hà xứ ?
Kim nhựt ngã hà lai ?
Nhược năng như thị kiến,
Nhị độ lưỡng vô sai.

Tạm dịch :
     Ngày qua ta đến từ đâu ?
     Bây giờ chẳng biết nơi nao ta về.
     Nếu hay kiến giảì thế nầy,
     Ta bà,Tịnh độ có gì khác

 

 

 

 

 

  .

竹林詠

 

竹 林 風 境 最 深 幽

印 在 山 中 少 路 游

月 照 風 吹 心 不 動

雲 來 雨 去 體 無 殊

頭 頭 水 地 心 方 引

節 節 空 心 向 修

過 竹 知 人 人 是 竹

竹 人 非 易 境 相 扶

 

                            大臣胡得忠

 

      Âm :

          Trúc Lâm phong cảnh tối thâm u,

          Ẩn tại sơn trung, thiểu lộ du,

          Nguyệt chiếu, phong xuy, tâm bất động,

          Vân lai, vũ khứ, thể vô thù.

          Đầu thủy địa, tâm phương dẫn,

          Tiết tiết không tâm, chỉ hướng tu.

          Quá trúc tri nhơn, nhơn thị trúc,

          Trúc nhơn phi dị, cảnh tương phù.  

                                                                                            

 

Đại thần HỒ ĐẮC TRUNG (*)

 

Dịch :

 

     Trúc Lâm phong cảnh khá thâm u,

     Ấn để đầu non lối mịt mù,

     Trăng soi gió thổi lòng không động,

     Mây đến mưa đi thể đặc thù.

     Giòng nước tâm vương ai dẫn lối ,

     Tâm không xuân hạ chí đường tu,

     Trúc biết hay người người là trúc,

     Cảnh và người trúc vẫn tương phù.

                            Hòa thượng Thích Huyền Tôn

 

Dịch : 

           Trúc Lâm phong cảnh thật thâm u,

           Ẩn tại trong non, khách thiểu du,

          Trăng rọi, gió lay, tâm chẳng động,

          Mây đi, nước đến, thể không thù.

          Đầu đầu sát đất, tìm phương dẫn,

          Giữa đốt không tâm, chỉ hướng tu.

          Thấy trúc biết người, người tựa trúc,

          Trúc người không khác, cảnh tương phù.

                                                Thích nữ Diệu Không

Ghi chú :  (*) Cụ Đại thần Hồ Đắc Trung là phụ thân của Sư bà Thích nữ Diệu Huệ và Sư bà Thích nữ Diệu Không, là Ông ngoại của nhà Bác học Bửu Hội.

 


                                   無 題 甲 午


一  信 三 原 合 一 家
太 容 智 慧 妙 祥 歌
福 成 徳 順 光 永 願
海 俊 龍 明 歡 喜 和


           善逝子信義  -  新春開筆


 * * * ** * * **   

            
                        Vô Đề Giáp Ngọ

 

Nhất tín tam nguyên hiệp nhất gia, (1)
Thái dung trí huệ diệu tường ca, (2)
Phước thành đức thuận quang vĩnh nguyện, (3)
Hải tuấn long minh hoan hỷ hòa. (4)


                                  Thiện thệ tử Tín Nghĩa
                                  Tân xuân  Giáp ngọ, khai bút.

 

 

 

 

 

      Vịnh Cảnh Trúc Lâm

   Trúc Lâm chùa ở chốn Thần kinh,

   Phong cảnh nhìn xem thật hữu tình,

   Trước mặt , bờ khe ùn cát trắng,

   Sau lưng, chòm núi lợp cây xanh.

   Gió Từ, quét sạch rừng phiền não.

   Mưa Pháp, trôi đùa áng lợi danh.

   Y Bát, mai sai truyền gốc Đạo,

   Tre già. măng mọc ngắm càng xinh.

      

          Cư sĩ Đoàn Lục Quán.

 

 

 

一   心   奉   請
Nhất Tâm Phụng Thỉnh


東      城  下  筆   至  西   城  
Đông thành hạ  bút   chí Tây thành,

半     月      横    勾   點  三  星   
Bán nguyệt hoành câu điểm tam tinh.

三     人   同   騎   牛   無  角       
Tam nhân đồng  kỵ   ngưu vô giác,

一     點    三   横    口   半   青
Nhất điểm  tam hoành khẩu bán thanh.

                   信 義 捜 尋Tín Nghĩa Sưu Tầm 

 

 

   
   
   
   

 

Tiếp Phần 2

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Hai Câu Chuyện Rất “Thương Tâm”
Phật Đản Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Một Đạo Tràng Bố Tát Đặc Biệt
Đi Quanh Một Vòng Với Các Đạo Tràng An Cư – 2021
Mùa Xuân Tân Sửu – 2021
Thông Báo Mới Của CDC Chỉ Có 6% Số Người Tử Vong COVID -19 . . . .
Vu Lan 2564-2020 Nhớ Ơn Nhị Vị Hòa Thượng “Đức Niệm và Mãn Giác”
Luận về : Cái Chết Nguyên Con
Có Những Cái Chết
Thông Điệp Của Sự Hạnh Phúc
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3150341
Có -710 Khách Đang Online